Bẫy ICO cướp trắng tiền của nhà đầu tư

Sốc trước sự tăng giá phi mã của Bitcoin, ngày càng nhiều người Việt đầu tư tiền ảo. Tuy nhiên, giá của những đồng tiền ảo đình đám như Bitcoin, Ethereum đang quá cao, khiến không ít người lựa chọn kênh đầu tư ICO với kỳ vọng bỏ vốn ít, nhưng lãi siêu cao sau thời gian ngắn.
Màn kịch ICO và những cú lừa ngoạn mục
ico lừa đảo

Gần giống với IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng), ICO là hình thức phát hành tiền ảo lần đầu để huy động vốn của các start-up công nghệ. Khoảng nửa năm nay, các sàn giao dịch tiền ảo liên tục đưa ra các dự án ICO gọi vốn để chào mời nhà đầu tư Việt. Với đặc điểm là vốn bỏ ra ít (giá phát hành ban đầu thường chỉ dưới 1 USD) và tiềm năng sinh lời cao, nhiều nhà đầu tư đã rót vốn vào kênh này. Thế nhưng, không ít nhà đầu tư đã phải ngậm đắng với ICO. 

Trao đổi với phóng viên Infomoney, một nhà đầu tư tiền ảo cho hay, tháng 10/2017, nghe những lời giới thiệu bùi tai từ nhân viên tư vấn một sàn tiền ảo, anh này đã rót hơn 50 triệu đồng đầu tư dự án ICO của BitBase (mã BTB). 

“Nghe giới thiệu qua sàn và qua trang web của công ty trên, tôi thấy, lộ trình lên sàn rất rõ ràng (ngày 1/11/2017), lợi nhuận 7 - 11%/ngày. Thực tế, giá token BTB cũng tăng gấp 3 từ 0,3 USD lên 1 USD/token chỉ trong vòng vài tuần chào bán. Thế nhưng, ngay sau khi lên sàn được vài ngày, BTB đã bị đánh sập. Lý do được phía Công ty thông báo là bị tấn công. Hậu quả là toàn bộ số tiền đầu tư của tôi đội nón ra đi”, nhà đầu tư này tiết lộ. 

Không chỉ BitBase, mà thời gian qua, hàng loạt dự án ICO cũng đã tinh vi cướp trắng tiền của nhà đầu tư, như Bancor, Confido… Ngay sau khi phát hành tiền ảo để gọi vốn thành công, thu về hàng trăm triệu USD, các start-up này ngay lập tức biến mất, để lại cho nhà đầu tư sự phẫn nộ và giấc mơ làm giàu dang dở.

Chỉ cần gõ vài từ khóa trên mạng, có thể thấy hàng chục trang web đăng tải dự án ICO. Giới chuyên gia khẳng định, màn kịch ICO này thực chất là các vụ lừa đảo tinh vi của một số start-up.

Hiện nay, trên sàn coinmarketcap, có hơn 1.000 đồng tiền ảo đang giao dịch. Từ giữa năm nay, cơn sốt phát hành tiền ảo để huy động vốn tăng chóng mặt. Ước tính, trên thế giới, các start-up đã huy động hàng tỷ USD từ bán tiền ảo. Tuy nhiên, gian lận của các thương vụ ICO nhiều đến mức hàng loạt cơ quan chức năng của Mỹ, Nga, Nhật, Trung Quốc… đã lên tiếng cảnh báo. 

Đại diện Kyber Network - một start-up phát hành tiền ảo có CEO là người Việt - khuyến cáo: “Có tới 90% đồng tiền ảo trên thị trường không có giá trị thực mà được sinh ra với mục đích lừa đảo. Chính vì vậy, nhà đầu tư phải nghiên cứu kỹ các công ty phát hành tiền ảo trước khi rót vốn”. 

Lợi nhuận siêu cao, nguy cơ bị tấn công thường trực

Ngoài đầu tư vào các dự án ICO, hiện rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam cũng lựa chọn đầu tư vào các đồng tiền ảo đã được chấp nhận rộng rãi khác như Bitcoin, Bitconnect, Bitcoin Cash, Litecoin, Ethereum… 

Theo giới chuyên gia an ninh mạng, với các đồng tiền ảo đã có danh tính, khả năng bị lừa đảo thấp hơn so với các dự án ICO. Tuy nhiên, việc đầu tư vào các đồng tiền ảo mới phát hành hay những đồng tiền ảo đã được chấp nhận rộng rãi cũng vẫn rất rủi ro. 

Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư (Tổng cục An ninh) cho hay, hiện ở Việt Nam có nhiều trang web mua bán tiền ảo, nhưng đặt máy chủ ở nước ngoài. Hoạt động mua bán tiền ảo phụ thuộc vào hệ thống công nghệ thông tin, nên luôn hiện hữu nguy cơ mất an toàn dữ liệu… 

Nếu xảy ra sự cố bị hacker tấn công mạng hoặc mạng bị đóng cửa, thì người tham gia sẽ phải chịu toàn bộ thiệt hại. Ngoài ra, những thông tin về giao dịch có thể được lưu giữ lại, do đó dẫn đến nguy cơ mất tính riêng tư của giao dịch”, ông Lĩnh nói. 

Theo các chuyên gia, không có lời khuyên nào phù hợp cho mọi nhà đầu tư tiền ảo lúc này, bởi đầu tư tiền ảo chính là đánh bạc. Tuy nhiên, nếu mới tham gia, không am hiểu công nghệ, không thể tìm hiểu thông tin của những người sáng lập, nhà đầu tư nên chọn các đồng tiền ảo được công nhận rộng rãi, thay vì chọn các đồng tiền ảo giá bèo hay đầu tư vào các dự án ICO.

Previous
Next Post »